Cơ nghiệp ở Ích châu Lưu_Bị

Đánh chiếm Đông Xuyên

Lưu Bị đánh chiếm Tây Xuyên khiến Tào Tháo phải tính đường đối phó. Tào Tháo dự định đánh chiếm Hán Trung (Đông Xuyên) của Trương Lỗ, sau đó xuôi theo sông Hán Thuỷ xuống phía nam đánh Ích châu để trừ Lưu Bị. Năm 215, trong lúc Lưu Bị đang đối đầu với Tôn Quyền ở Giang Lăng thì Tào Tháo tiến vào Hán Trung.[125]

Lưu Bị vội thỏa hiệp với Tôn Quyền để trở về Tây Xuyên. Trương Lỗ bị Tào Tháo đánh bại, mang quân chạy về huyện Ba Trung. Tây Xuyên bị uy hiếp. Viên tướng mới hàng là Hoàng Quyền khuyên Lưu Bị nên khẩn cấp điều quân ra phòng thủ 3 quận Ba Tây, Ba Thục và Ba Trung trước nguy cơ Trương Lỗ xâm nhập. Lưu Bị nghe theo, bèn sai Hoàng Quyền làm hộ quân, dẫn đầu các tướng đón đánh Trương Lỗ. Trương Lỗ phải quay về Nam Trịnh xin đầu hàng Tào Tháo.[125]

Nhưng sau đó Tào Tháo lại muốn lui quân về, không nghe theo lời khuyên của Tư Mã Ý nên nhân đà thắng lợi đánh ngay vào Tây Xuyên. Tào Tháo chỉ để lại Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp và Đỗ Tập trấn thủ Đông Xuyên. Năm 217, Trương Cáp tiến vào Ba Tây, bị Trương Phi đánh bại ở Ngõa Đẩu, thiệt hại hàng vạn quân.[126]

Khoảng giữa tháng 12 năm 217 đến giữa tháng 1 năm 218[34]), Lưu Bị sai Trương Phi đóng đồn ở Cố Sơn,[j] Ngô Lan cầm quân đóng ở Hạ Bị.[k] Tào Tháo nghe tin bèn sai Tào HồngTào Hưu ra đối địch. Tào Hồng nghe theo Tào Hưu, dồn sức tấn công vào cánh quân của Ngô Lan. Ngô Lan thua trận, bỏ chạy và bị người tộc Đê giết, Trương Phi phải lui quân về.[127]

Lưu Bị quyết tâm đánh chiếm Hán Trung. Khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6[34]) năm 218, ông giao cho Gia Cát Lượng trấn giữ Thành Đô, tự mình cùng mưu sĩ Pháp Chính khởi 10 vạn quân[128] đi đánh Hán Trung.

Sau khi thấy cánh quân của Trần Thức và Hoàng Trung giao tranh với Từ Hoảng, Trương Cáp bất lợi, Lưu Bị điều động cánh quân của Triệu Vân đến chi viện. Quân Thục mạnh lên, kéo đến ải Dương Bình.[l] Quân Tào giữ ải yếu nên không giữ nổi. Quân Thục nhanh chóng lấy cửa ải Dương Bình và đóng lại đây.[128]

Khoảng giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 năm 218[34]), Tào Tháo khởi đại quân tiến đến Trường An, sẵn sàng nghênh chiến. Sang đầu năm 219, Lưu Bị thúc quân vượt qua sông Miện Thủy (một nhánh của sông Hán Thủy). Lưu Bị đóng quân hạ trại tại núi Định Quân, Hoàng Trung được lệnh cầm một cánh quân mai phục ở phía sau đỉnh núi này.[128]

Tướng Tào là Hạ Hầu Uyên không biết là mưu kế, mang toàn quân tới đánh doanh trại của Lưu Bị. Trong khi hai bên đang xô xát kịch liệt, đột nhiên Hoàng Trung từ trên cao thúc trống đánh xuống, khí thế rất mạnh vào sườn quân Tào. Hoàng Trung chém được Hạ Hầu Uyên và giết được thứ sử Ích châu của Tào Tháo là Triệu Ngung.[128] Quân Tào tham chiến có 5000 người gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.[129]

Tào Tháo được tin Hạ Hầu Uyên tử trận, đích thân mang đại quân từ Trường An qua hang Tà Cốc vào Xuyên để quyết chiến. Lưu Bị thấy Tào Tháo mất nguồn lương tại chỗ, phải vận nhiều lương từ xa đến, bèn phái binh đi cướp lương thảo. Sau khi Triệu Vân đánh bại quân Tào một trận bên sông Hán Thủy,[130] Lưu Bị giữ thế phòng thủ không ra giao chiến. Qua hơn 1 tháng khiêu chiến không đánh được trận nào, quân Tào mệt mỏi. Lưu Bị lại sai người lọt vào hàng ngũ quân Tào làm nội ứng, phao tin đồn khiến quân Tào chán nản.[131]

Tháng 6[34]) năm 219 là thời gian mùa hè, trời mưa nhiều khiến quân Tào đông đảo càng mệt mỏi vì vận lương. Tướng hướng đạo bên Tào là Vương Bình bỏ trốn sang đầu hàng Lưu Bị, được ông trọng dụng.[132] Tào Tháo liệu thế không thể thắng được Lưu Bị, đành hạ lệnh lui quân khỏi Hán Trung, để Trương Cáp và Tào Hồng chia nhau đóng đồn ở Trần Thương và Vũ Đô, sai Tào Chân yểm trợ cho Tào Hồng dần dần rút khỏi Vũ Đô.[133]

Để đánh chiếm các vùng đất mới tách ra từ Hán Trung của Trương Lỗ do Tào Tháo phân chia, Lưu Bị sai Mạnh ĐạtLưu Phong làm tướng tấn công vào Phòng Lăng, Thượng Dung.[134] Thái thú Thượng Dung là Thân Đam và em là Thân Nghi ở Tây Thành đầu hàng. Toàn bộ Ích châu cũ, gồm Tây Xuyên và Đông Xuyên, đã thuộc về Lưu Bị.[131]

Xưng vương

Lưu Bị xưng vương, đứng hầu bên cạnh là Gia Cát LượngTrương Phi. Hình vẽ tại dãy Trường Lang của Di Hòa Viên, Bắc Kinh

Sau khi chiếm được Hán Trung và các quận kế cận, thanh thế của Lưu Bị rất lớn. Tháng 8[34]) năm 219, một trăm hai mươi người dưới quyền đứng đầu là Mã Siêu, Hứa Tĩnh, Bàng Hi, Xạ Viện (Tạ Viện),[m] Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Lại Cung, Pháp Chính, Lý Nghiêm... cùng nhau đứng tên làm tờ biểu dâng lên Hán Hiến Đế, đề nghị phong Lưu Bị làm Hán Trung vương, chức Đại tư mã.[135] Về hình thức, Lưu Bị cũng đứng tên làm tờ biểu tâu lên Hán Hiến Đế, nói rằng vì bị quần thần ép xưng vương nên phải thuận theo ý mọi người để cứu nước, thảo phạt Tào Tháo. Các sử gia cho rằng việc Lưu Bị xưng vương có nhiều khả năng tham mưu từ Pháp Chính.[136]

Do Hán Hiến Đế đang ở trong tay Tào Tháo, Lưu Bị và các tướng không chờ công văn phê chuẩn của Hiến Đế, mà trong tháng 8 năm đó tổ chức lễ xưng vương tại Miện Dương.[n] Các tướng đứng hai bên đàn, tôn Lưu Bị đứng lên trên, để một viên quan tuyên đọc bản tấu lên Hán Hiến Đế, chính thức đội mũ miện cho ông và đúc ấn “Hán Trung vương”. Các sử gia giải thích rằng sở dĩ Lưu Bị không tổ chức lễ tại Thành Đô mà tới Miện Dương vì nơi này nằm trong quận Hán Trung, cũng là nơi Hán Cao Tổ Lưu Bang khởi nghiệp chống Hạng Vũ, nhằm biểu dương việc nối hương hỏa nhà Hán.[137]

Sau khi xưng vương, Lưu Bị phong Hứa Tĩnh làm Thái phó, Pháp Chính làm Thượng thư lệnh Hộ quân tướng quân, Liêu Lập làm Thị trung, Quan Vũ là Tiền tướng quân, Trương Phi là Hữu tướng quân, Mã Siêu là Tả tướng quân và Hoàng Trung là Hậu tướng quân. Các chức vị của các nhân vật quan trọng khác như Gia Cát Lượng, Triệu Vân không được sử sách nhắc đến.[138]

Sau đó, Lưu Bị và các tướng trở về trung tâm Ích châu là Thành Đô. Ông phong Ngụy Diên làm Thái thú Hán Trung, chức Trấn viễn tướng quân. Quyết định này khiến mọi người kinh ngạc, vì ai cũng nghĩ rằng Hán Trung có vị trí quan trọng như Kinh châu đang do Quan Vũ trấn thủ, Lưu Bị sẽ giao nơi này cho Trương Phi. Các sử gia đánh giá rất cao quyết định dùng Ngụy Diên – một người chưa có danh vọng và địa vị - của Lưu Bị là mạnh dạn, đúng người, và có nguyên nhân sâu xa. Mã Siêu từng là chủ một phương, nếu sai giữ trọng trấn phải đề phòng nổi loạn; Hoàng Trung đã cao tuổi. Sau khi Lỗ Túc mất (217), quan hệ giữa Lưu Bị với Tôn Quyền về vấn đề Kinh châu ngày càng căng thẳng, do đó phải để Trương Phi, Triệu Vân vào việc phía đông, vì vậy đề bạt Ngụy Diên là người thích hợp nhất.[139]

Có ý kiến cho rằng Lưu Bị xưng vương hơi sớm. Lẽ ra ông nên chờ tới khi đánh thắng được Tào Tháo, chiếm được trung nguyên để trung hưng nhà Hán mới thực hiện việc này; việc ông sớm xưng vương khi vừa khuếch trương thế lực và không hề có thỏa hiệp gì thêm với Tôn Quyền khiến Tôn Quyền muốn tiếp tục lôi kéo ông để chống Tào Tháo mà không thể thực hiện được, vì địa vị hai người không còn ngang nhau như trước; Tôn Quyền không còn cảm thấy an toàn với Lưu Bị và quyết định phải có sách lược mới, trở mặt với Lưu Bị.[140]

Trước biến cố Kinh châu

Ngay sau khi Lưu Bị xưng vương và bản thân được phong làm Tiền tướng quân, Quan Vũ cất quân Giang Lăng đi đánh Tương Dương và Phàn Thành do Tào Nhân trấn giữ[141]

Lưu Bị ở Ích châu liên tiếp nhận tin báo thắng trận của Quan Vũ: Tương Dương và Phàn Thành bị vây bức, đạo quân viện binh của Vu CấmBàng Đức bị tiêu diệt, Quan Vũ tháo nước sông làm Tào Nhân ở Phàn Thành vô cùng nguy khốn, nhiều địa phương phía bắc đã phản Tào hàng Quan Vũ.[142]

Nhưng trong khi Quan Vũ chưa hạ được Tương Phàn thì Tôn Quyền sai Lục TốnLã Mông đánh úp mấy quận Kinh châu của Lưu Bị, My PhươngPhó Sĩ Nhân đầu hàng nộp thành cho Đông Ngô. Khoảng cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 năm 220[34]), Quan Vũ bị viện binh của Từ Hoảng đánh bại, chạy về Kinh châu không còn đường, cuối cùng bị Lã Mông bắt giết.[143]

Theo sử gia Hoàng Ân Đồng, Quan Vũ ra quân vì mải mê chiến thắng, cho rằng có thể dễ dàng thắng tiếp Tào Tháo; còn tập đoàn Lưu Bị ở Ích châu không ra lệnh, cũng không ngăn cản, vì tâm lý vừa thắng ở Hán Trung, không lường được thất bại lớn, để mặc cho Quan Vũ hành động.[144]

Lưu Bị không điều quân tiếp ứng cho Quan Vũ trong chiến dịch này, điều đó được các sử gia lý giải vì trong Ích châu không ngờ tới điều này.[145] Lưu Bị ở Ích châu toàn nghe tin chiến thắng. Từ đó tới khi Quan Vũ bị Từ Hoảng đánh bại và chạy về Mạch Thành diễn biến quá mau chóng, Lưu Bị biết tin cũng không thể cứu ứng kịp nữa.[146][147] Việc phát động chiến dịch Tương-Phàn trong thời điểm và hoàn cảnh mà Quan Vũ đã làm bị các sử gia coi là sai lầm,[148] thất bại này Quan Vũ trực tiếp chịu trách nhiệm, Lưu Bị chịu trách nhiệm của người lãnh đạo, còn Gia Cát Lượng không phải chịu trách nhiệm.[149]

Mất Kinh châu và Quan Vũ là tổn thất lớn cho Lưu Bị. Ông vô cùng oán hận con nuôi Lưu Phong và tướng Mạnh Đạt ở Phòng Lăng đã không đáp ứng yêu cầu xuất quân trợ chiến của Quan Vũ khiến Quan Vũ phải đơn độc chiến đấu với quân Tào rồi đến quân Ngô nên ra lệnh triệu tập 2 người. Khoảng cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 năm 220[34]), Mạnh Đạt sợ hãi quay đầu hàng Tào, anh em Thân Đam, Thân Nghi ở Tây Thành và Thượng Dung cũng hàng Tào.[150]

Cùng lúc ở Lạc Dương, Tào Tháo qua đời, Tào Phi lên nối ngôi Ngụy vương, tiếp nhận sự đầu hàng của Mạnh Đạt và Thân Đam.[o] Lưu Phong ở Phòng Lăng không theo hai người hàng Ngụy, bị Thân Đam và Từ Hoảng theo lệnh Tào Phi mang quân tới đánh. Lưu Phong thua trận bỏ chạy về Thành Đô. Lưu Bị lập tức bắt giữ.[150]

Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị nên giết Lưu Phong. Lưu Bị nghe theo và mang Lưu Phong ra xử tử. Ý kiến của các sử gia bàn về việc Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị giết Lưu Phong có khác nhau. Trần Thọ trong Tam Quốc chí cho rằng vì Gia Cát Lượng lo cho tương lai Thục Hán có sự tranh chấp ngôi thừa kế Lưu Bị giữa Lưu Phong (con nuôi) đã trưởng thành và thái tử Lưu Thiện (con đẻ) còn nhỏ.[150][151] Các sử gia hiện đại không đồng tình với Trần Thọ, cho rằng ngôi thái tử của Lưu Thiện đã lập nên đó không phải sự lo lắng của Gia Cát Lượng, mà Gia Cát Lượng muốn trị tội Lưu Phong vì không nghe lệnh Quan Vũ, khiến Thục Hán đã mất Kinh châu sau đó lại làm mất quận Phòng Lăng.[152]

Xưng đế

Bản đồ Trung Quốc thời Tam Quốc. Khu vực màu nâu là lãnh thổ nước Thục Hán mà Lưu Bị sáng lập

Mất Kinh châu và Quan Vũ khiến Lưu Bị nóng lòng muốn báo thù Đông Ngô. Tuy nhiên lúc đó lại xảy ra nhiều biến cố. Sau việc mất Mạnh Đạt và Lưu Phong cùng mấy quận phía đông, khoảng cuối tháng 11 đến cuối tháng 12[34]) năm 220, Tào Phi phế truất Hán Hiến Đế cướp ngôi, lập ra nhà Ngụy, tức là Tào Ngụy Văn Đế. Hán Hiến Đế bị giáng làm Sơn Dương công, điều đi quận Sơn Dương.[153]

Khoảng đầu tháng 5 đến đầu tháng 6[34]) năm 221, Lưu Bị và Gia Cát Lượng ở Thành Đô nghe lời đồn đại rằng Hiến Đế đã bị Tào Phi giết hại, bèn phát tang ở Ích châu, truy tôn vua Hán là Hiếu Mẫn hoàng đế. Quần thần đề nghị ông lên ngôi hoàng đế để kế nghiệp nhà Hán. Thái phó Hứa Tĩnh, An Hán tướng quân Mi Trúc, quân sư tướng quân Gia Cát Lượng, Thái thường Lại Cung, Quang lộc huân Hoàng Quyền, Thiếu phủ Vương Mưu dâng tấu rằng:[7]:

Tào Phi thí chúa soán ngôi, chôn vùi ngôi Hán thất, cướp lấy thần khí, bức hiếp kẻ trung lương, tàn ác vô đạo. Quỷ thần căm giận, đều nghĩ đến họ Lưu. Nay ở trên không có thiên tử, hải nội bàng hoàng, không có chỗ ngóng trông. Quần hạ trước sau dâng sớ hơn tám trăm người, đều nói rõ có điềm lành, và những lời đồ sấm làm chứng cớ rõ ràng... Nay trời cao báo điềm lành, quần nho anh tuấn, đều dẫn sách Hà Đồ-Lạc Thư, cùng lời sấm ký của Khổng Tử, hết thảy đều đủ cả. Chúng thần quỳ xuống kính cẩn suy ngẫm rằng Đại vương là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh Vương Hiếu Cảnh Hoàng Đế, dòng chính dòng phụ trăm đời, thiên địa giáng phúc, đại vương tư thái thần thánh kì vĩ, uy vũ như thiên thần, nhân đức chồng chất trùm đời, ưu ái dân chúng tôn kính kẻ sĩ, vì thế bốn phương dốc lòng theo về... Vậy nên đại vương sớm lên ngôi đế, để tế lễ nhị tổ, nối nghiệp tổ tiên, thì thiên hạ may lắm.

Ông còn do dự thì lại có tin Tôn Quyền đã dâng biểu xưng thần với Tào Phi và được phong làm Ngô vương.[154] Lưu Bị rất tức giận, muốn lập tức khởi binh đánh Đông Ngô. Theo lời khuyên của Gia Cát Lượng, ông tạm gác việc đánh Ngô và làm lễ lên ngôi hoàng đế. Lễ được tiến hành ở phía nam núi Vũ Đương thuộc Thành Đô, lấy quốc hiệu là Hán để kế tục Lưu Hiệp, đặt niên hiệu là Chương Vũ.[155] Từ đó nhà Thục Hán bắt đầu.

Lưu Bị lập Ngô phu nhân (em gái Ngô Ý) làm hoàng hậu, Lưu Thiện làm thái tử, lập con gái của Trương Phi (vợ Lưu Thiện) làm Thái tử phi, các con thứ Lưu Vĩnh làm Lỗ vương, Lưu Lý làm Lương vương. Phần các quan, lúc đó Pháp Chính đã mất, ông phong Gia Cát Lượng làm Thừa tướng, Hứa Tĩnh làm Tư đồ, Trương Phi làm Tư Lệ hiệu úy, Mã Siêu làm Lương châu mục…[155]

Đánh Đông Ngô

Bài chi tiết: Trận Di Lăng

Sau khi chiếm lại các quận Nghi Đô, Nam Quận và Vũ Lăng từ tay Quan Vũ, Tôn Quyền chủ động xưng thần với Tào Tháo nên được Tào Tháo (trước khi mất) thừa nhận làm Châu mục Kinh châu. Bản thân Tôn Quyền lập lại Lưu Chương làm Ích châu mục, sai đóng ở Tỉ Quy để làm tiền đồn chống Lưu Bị. Như vậy Tôn Quyền không thừa nhận địa vị của Lưu Bị ở cả Ích châu lẫn Kinh châu như trước.

Diễn biến đó là Tào và Tôn bắt tay nhau không thừa nhận địa vị của Lưu Bị, khiến ông càng thêm tức giận cùng việc mất Kinh châu và Quan Vũ. Vì vậy sau khi xưng đế, ông quyết tâm đánh Đông Ngô. Bất chấp sự can gián của các tướng như Tần Mật, và nhất là Triệu Vân (nên coi trọng việc đánh Tào Phi hơn là Tôn Quyền), nhưng ông không nghe theo.[156] Tướng Hoàng Quyền cũng khuyên ông không nên mạo hiểm thân chinh mà chỉ cần sai một viên tướng đi đông chinh, bản thân Hoàng Quyền tình nguyện lãnh trách nhiệm đánh Ngô, nhưng Lưu Bị cũng không chịu.[157]

Do thái độ tức giận và kiên quyết của Lưu Bị, không ai dám can gián nữa. Ông giao cho thừa tướng Gia Cát Lượng giúp thái tử Lưu Thiện giữ Thành Đô, đích thân lựa 4 vạn quân,[157] chuẩn bị chọn ngày lên đường.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Lưu Bị mang hết quân trong nước, tới 70 vạn người đi đánh Ngô.

Các sử gia lý giải việc Lưu Bị không mang nhiều quân đi đánh Ngô có 2 nguyên nhân[157]: 1. Nhân khẩu Ích châu không nhiều tới mức có thể điều động đến 70 vạn người như La Quán Trung nêu trong Tam Quốc diễn nghĩa. 2. Ông phải bố trí số quân đáng kể đề phòng sự xâm phạm của Tào Ngụy.

Trong khi toàn quân đang tập hợp chưa xuất phát thì ông lại mất Trương Phi vì bị các thủ hạ Phạm Cương, Trương Đạt sát hại vào khoảng đầu tháng 6 đến đầu tháng 7[34]) năm 221. Hai người này sang hàng Ngô. Lưu Bị đau đớn, muốn trút hết căm giận lên Tôn Quyền. Tháng 8 năm đó ông hạ lệnh tập trung quân ở Giang châu. Vì Hoàng Trung đã mất, ông để Ngụy Diên và Mã Siêu phòng Tào Ngụy phía bắc, cùng các tướng Mã Lương, Hoàng Quyền, Trình Kỳ, Trương Nam, Ngô Ban, Phùng Tập và Triệu Vân lên đường. Khi đến Giang châu, ông lệnh cho Triệu Vân (từng can gián) đóng quân ở lại làm tiếp viện, cho Ngô Ban làm tiên phong, dẫn quân ra Tam Hiệp, tiến vào Kinh châu.[158]

Có nhiều ý kiến thường nhìn nhận rằng Lưu Bị vì tình riêng mà đánh Ngô, là sai lầm không coi trọng đại cục.[157] Nhưng các sử gia xem xét việc này có lý do chính đáng từ phía Lưu Bị. Ngoài tình nghĩa với Quan Vũ phải báo thù, việc đánh Ngô là phương châm đã định, vì lấy Kinh châu làm 1 bàn đạp tấn công trung nguyên đã nằm trong chiến lược Long Trung đối sách mà Gia Cát Lượng vạch ra, nên khi Kinh châu mất thì phải đoạt lại;[159] hơn nữa xét về thực lực lúc đó, Tào Phi mạnh hơn Tôn Quyền, do đó Lưu Bị tự lượng thực lực của mình dễ đánh thắng Tôn Quyền hơn là đánh Tào Phi.[146]

Tôn Quyền thấy Lưu Bị tiến vào Kinh châu, vội sai sứ đi giảng hòa. Gia Cát Cẩn đang làm Thái thú Nam Quận lấy danh nghĩa cá nhân viết thư phân tích với ý tứ như Triệu Vân (xem Tào Phi làm đối thủ chính vì nợ nước với nhà Hán), nhưng ông không chấp nhận, thúc quân tiếp tục đông tiến.[160]

Hai tướng tiên phong Ngô Ban, Trần Thức đánh bại đạo quân Ngô của Lý Dị và Lưu A, chiếm huyện Vu và Tỉ Quy. Đầu năm 222, quân Thục Hán tiến đến Di Lăng, Hào Đình, ông hạ lệnh cho quân thủy lên bộ hạ trại. Giữa Tỉ Quy và Hào Đình cách nhau 700 dặm, Lưu Bị lập ra liên tiếp mấy chục doanh trại bằng gỗ cây rừng. Lập liên trại với khoảng cách xa như vậy là sai lầm của Lưu Bị, tối kỵ đối với nhà binh.[161] Tào Phi ở Lạc Dương nghe tin này cũng đoán Lưu Bị sẽ thất bại.[162]

Tướng Ngô là Lục Tốn có 5 vạn quân, điềm tĩnh phòng thủ để tránh nhuệ khí của quân Thục. Đến tháng 8[163]) năm 222, Lục Tốn bất ngờ dùng hỏa công đồng loạt đánh vào liên trại của Lưu Bị. Quân Thục bị đánh úp không kịp trở tay, bị giết mấy vạn người,[161] tan vỡ bỏ chạy.

Trong khi rút lui, các đại tướng Trương Nam, Phùng Tập đều bị tử trận để bảo vệ cho Lưu Bị chạy thoát. Vua người Hồ là Ma Sa Kha[164] ở quận Việt Huề cùng Trình Kỳ và Phó Đồng cũng chết trong loạn quân.

Lưu Bị chỉ còn tàn quân chủ lực chạy vào núi Mã Yên, bị Lục Tốn truy kích. Ông phải sai quân mang khôi giáp đốt để chặn đường quân Ngô, sau đó chạy qua rồi phá đường sạn đạo Di Lăng để ngăn quân Ngô đuổi theo, cuối cùng chạy thoát về thành Bạch Đế[p] trong tình cảnh rất thê thảm.[161]

Nhưng Lục Tốn biết rõ Tào Phi chuẩn bị sẵn quân rình rập phía sau để đánh úp Đông Ngô, nên không ham truy kích Lưu Bị mà rút đại quân trở về.[165]

Giảng hòa với Tôn Quyền

Lưu Bị rút về thành Bạch Đế, có Triệu VânHồ Đốc cầm quân trấn giữ, tạm thời yên tâm.

Thất bại Di Lăng khiến Lưu Bị suy sụp.[166] Nhưng ngay sau đó Ngô-Ngụy cũng xảy ra chiến tranh. Không ngoài dự tính của Lục Tốn, Tào Phi nhân lúc Ngô-Thục giao tranh bèn dẫn quân nam tiến đánh Ngô. Tôn Quyền, Lục Tốn lại phải huy động tướng sĩ ra sức chống trả. Hai bên giằng co ở Giang Lăng – Nam quận.[165]

Lưu Bị nghe tin Lục Tốn đối trận với Tào Phi, bèn viết thư cho Lục Tốn nói:[167]

"Nay giặc (Tào Phi) đã đến tại Giang Lăng, tướng của ta lại đến phía đông, tướng quân nói xem có được không"?"

Lục Tốn xem thư hiểu hàm ý của ông, bèn viết thư trả lời, một mặt vạch rõ quân Thục mới bị trọng thương không thể ra trận, mặt khác chủ động đề nghị giảng hòa. Tán thành với đề nghị của Lục Tốn, cuối năm 222, Tôn Quyền sai Trịnh Tuyền làm sứ đến thành Bạch Đế gặp Lưu Bị, xin giảng hòa.[168]

Lưu Bị cân nhắc, ông không thể để Đông Ngô diệt vong, bản thân mình cũng lâm nguy vì Tào Ngụy rất mạnh. Vì vậy ông chấp nhận đề nghị giảng hòa của Tôn Quyền và sai Tôn Vĩ sang Đông Ngô đáp lễ Tôn Quyền. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là 2 hoạt động ngoại giao khởi động lại cho hòa bình giữa 2 bên sau chiến tranh; hai bên đồng ý giảng hòa để kết thúc tình trạng thù hận nhưng chưa có thỏa thuận gì khác về tái hợp liên minh chống Tào. Sau đó, do bệnh tình của Lưu Bị nguy kịch nên hoạt động ngoại giao 2 nước bị gián đoạn.[169]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lưu_Bị http://tour.scol.com.cn/html/2005/07/001026_507494... http://www.culture.org.cn/info/info_detail.asp?bia... http://baike.baidu.com/subview/6213/7799424.htm http://www.britannica.com/EBchecked/topic/344481 http://www.trangnhahoaihuong.com/files/DeHieuThemT... http://www.yangtse.com/gb/content/2005-07/04/conte... http://id.loc.gov/authorities/names/n86088092 http://id.ndl.go.jp/auth/ndlna/00626800 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000063650335 http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E...